Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

Chánh án ly hôn, cấp dưới xử là bình thường

 Dù chánh án tòa nào xin ly hôn thì cũng phải do tòa cấp huyện thụ lý, giải quyết sơ thẩm. 

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 13-5 có bài phản ánh chuyện do mâu thuẫn gia đình, ông S., Chánh án TAND một TP trực thuộc một tỉnh ở miền Tây, đã nộp đơn xin ly hôn vợ ra chính tòa mà ông đang lãnh đạo (cũng là ở địa phương nơi vợ chồng ông sinh sống). Sau đó, chính ông S. là người ký quyết định phân công thẩm phán giải quyết vụ ly hôn của ông.

Về mặt quy định, ông S. không làm gì sai nhưng vì đây là vụ việc liên quan đến quyền lợi của cá nhân ông S. nên đã gây ra nhiều tranh cãi. Có chuyên gia cho rằng tòa án do ông S. lãnh đạo không nên giải quyết vụ ly hôn của ông mà nên chuyển giao lên tòa tỉnh để đảm bảo khách quan...

Theo tôi, một con người dù có địa vị xã hội như thế nào thì trước hết vẫn là một công dân. Chức vụ, quyền hạn mà họ có được là do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ. Chức vụ, quyền hạn chỉ có ý nghĩa khi họ thực thi nhiệm vụ, quyền hạn được giao chứ không phải mọi lúc mọi nơi.

Chánh án là người đứng đầu một tòa án. Quyền hạn của chánh án không chỉ đối với tòa mình trực tiếp lãnh đạo mà đối với tòa cấp dưới cũng có ảnh hưởng rất lớn, không chỉ về mặt hành chính mà còn về chuyên môn, nghiệp vụ... Tuy nhiên, chánh án cũng chỉ là một con người, một công dân nên cũng có quyền và nghĩa vụ như các công dân khác, trong đó có quyền ly hôn. Khi ly hôn, vị chánh án này cũng chỉ là đương sự. Quyền và nghĩa vụ của đương sự trong vụ án dân sự được pháp luật tố tụng dân sự quy định rất cụ thể, bản thân vị chánh án này không thể có thêm bất cứ một quyền nào khác.

Nếu đòi hỏi phải có quy định riêng về thẩm quyền xét xử cho loại việc “chánh án ly hôn” thì sẽ phải có quy định riêng về thẩm quyền xét xử đối với các chức danh trong các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ và một số chức danh khác trong hệ thống chính trị. Như vậy, nguyên tắc công bằng, bình đẳng của pháp luật sẽ như thế nào? Chẳng lẽ phải thành lập tòa án chuyên để xét xử các vụ ly hôn cho các chức danh “quan trọng” trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị chứ không riêng gì cho chánh án? Nếu cho rằng chánh án tòa án cấp huyện xin ly hôn thì nên giao cho tòa án tỉnh giải quyết cho khách quan, vậy chánh án TAND Tối cao xin ly hôn thì tòa nào sẽ giải quyết? Chẳng lẽ đưa ra Quốc hội giải quyết?

Dù chánh án tòa án nào xin ly hôn thì cũng phải do tòa cấp huyện thụ lý, giải quyết sơ thẩm. Thực tiễn xét xử cho thấy tòa cấp huyện không chỉ xét xử những vụ án mà đương sự là những người có chức vụ, quyền hạn cấp huyện, cấp tỉnh, thậm chí cấp trung ương mà còn xét xử những vụ án mà đương sự là cơ quan, tổ chức cấp huyện, cấp tỉnh, cấp trung ương. Thậm chí đã có những trường hợp tòa huyện xét xử vụ kiện đòi bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mà tòa tỉnh là bị đơn.

Trường hợp ông S. là chánh án xin ly hôn thì cũng như mọi công dân khác, ông tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn. Nếu ông S. lợi dụng, chức vụ, quyền hạn để tác động với thẩm phán được phân công giải quyết vụ ly hôn của ông theo hướng có lợi cho ông thì ông S. phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm sai trái của mình. Chính lúc này là lúc thử thách sự công minh, chính trực của ông S. trong việc thực thi nhiệm vụ của mình.

Điều đáng tiếc trong vụ việc của ông S. chỉ là sau khi tòa thụ lý đơn xin ly hôn, chính ông lại ký quyết định phân công thẩm phán dưới quyền giải quyết vụ ly hôn của ông. Nếu ở tòa án có phó chánh án thì nên để phó chánh án ký quyết định phân công thẩm phán, nếu không có phó chánh án thì nên báo cáo tòa án tỉnh để giải quyết. Việc làm của ông S. ít nhiều cũng có ảnh hưởng đến sự vô tư của người tiến hành tố tụng. Nhưng việc tòa tỉnh có rút vụ án lên giải quyết hay không còn phải căn cứ vào nhiều yếu tố chứ không nhất thiết cứ đương sự là chánh án tòa cấp huyện thì cấp tỉnh rút lên giải quyết.

 ĐINH VĂN QUẾ , nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao 


Nguồn: phapluattp.vn

Link: http://phapluattp.vn/2013052011047537p0c1063/chanh-an-ly-hon-cap-duoi-xu-la-binh-thuong.htm

0 nhận xét :

Đăng nhận xét